Đăng Ký Học
Ngày 09/08/2024 17:54:24, lượt xem: 1594
Đề bài: So sánh tác phẩm truyện ngắn “Chiếc áo khoác” của Gô-gôn và “Người trong bao” của Sê-khốp.
I. Dàn ý thân bài
Luận điểm 1: Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm
Luận điểm 2: Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm truyện
- Hình tượng “con người nhỏ bé”.
- Gắn số phận con người với những vật dụng tầm thường
+ Chiếc áo khoác gắn liền với số phận và biến cố trong cuộc đời của bác A-ca-ky.
+ Chiếc bao gắn với cuộc đời của Bê-li-cốp.
- Nhà văn vận dụng thành công nghệ thuật châm biếm, qua đó thể hiện lên bức tranh xã hội lúc bấy giờ.
- Lí giải nguyên nhân:
+ Sự chi phối của thời đại
+ Mối quan tâm hiện thực của các tác giả
Luận điểm 3: Điểm khác biệt giữa hai tác phẩm truyện.
- Tổ chức cốt truyện:
+ “Chiếc áo khoác”: cốt truyện đơn giản.
+ “Người trong bao”: truyện lồng truyện, kết cấu phức tạp.
- Ngôi kể, điểm nhìn:
+ “Chiếc áo khoác”: ngôi thứ nhất, người kể chuyện hiện diện từ đầu đến cuối truyện: đó là một người am hiểu về giới công chức
+ “Người trong bao”: thay đổi ngôi kể và điểm nhìn linh hoạt do sự chi phối của kết cấu truyện lồng truyện.
- Lí giải nguyên nhân:
+ Do cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn.
+ Do sự kế thừa, tiếp thu và cải biến trong tiến trình văn học.
Luận điểm 4: Đánh giá, nhận xét, mở rộng
- Cảm nhận được tài năng, sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của mỗi người nghệ sĩ gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình.
- Họ không chỉ viết câu chuyện của riêng mình, của một người, một thời mà rộng ra chính là câu chuyện của mọi người, mọi thời.
- Tiếp nhận hai truyện ngắn này, ta bật cười trước những tình huống bất ngờ, những con người gàn dở. Song, ẩn đằng sau nụ cười đó chính là sự xót xa, suy ngẫm, trăn trở về những vấn đề của con người, của xã hội.
II. Viết bài
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ năm 1986, Nguyễn Minh Châu đã bày tỏ quan điểm của mình về trách nhiệm của người nghệ sĩ: “Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình”. Có lẽ không chỉ riêng Nguyễn Minh Châu, mọi nghệ sĩ chân chính tất thảy đều cầm giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình mà trăn trở, mà sáng tạo. Đến với “Chiếc áo khoác” của Gô-gôn và “Người trong bao” của Sê-khốp, tài năng và tấm lòng đi cùng với nhau trên từng trang viết tạo nên những áng văn vượt thời gian. Ở đó, ta bắt gặp sự đồng điệu trong hình tượng nhân vật và những nét đặc sắc về nghệ thuật được thể hiện qua những phong cách khác nhau, thể hiện rõ dấu ấn, phong cách riêng của mỗi nhà văn.
Gô-gôn và Sê-khốp là những cây bút văn xuôi xuất sắc hàng đầu trong lịch sử văn học Nga. Hai tác phẩm “Chiếc áo khoác” và “Người trong bao” đều được sáng tác trong thế kỷ XIX, khi nước Nga đang chìm trong không khí vô cùng ngột ngạt, âm u của chế độ chuyên chế u ám, nặng nề. Hoàn cảnh lịch sử, xã hội đã chi phối đến quan điểm tiếp cận hiện thực và cách nhìn nhận của nhà văn đối với xã hội, từ đó có sự tương đồng trong sáng tác. Tuy nhiên, cá tính sáng tạo, cái chất riêng của mỗi người nghệ sĩ đã làm nên nét chuyên biệt độc đáo, mang phong cách của mỗi người nghệ sĩ.
Trước hết, ta bắt gặp trong hai tác phẩm điểm tương đồng về cách xây dựng hình tượng “con người nhỏ bé” - một trong những hằng số xuyên suốt trong văn học Nga. Về hình tượng này, các tác phẩm Nga thường để họ xuất hiện là những công chức nhỏ ở bậc thang thấp nhất của xã hội, nghèo khó về vật chất và bị lăng nhục về tinh thần,... Trong “Chiếc áo khoác”, hình tượng “con người nhỏ bé” được Gô-gôn gửi gắm thông qua nhân vật A-ca-ky A-ca-ki-e-vích một công chức bàn giấy đã lớn tuổi. Trong công việc, bác chỉ là một công chức quèn, công việc của bác có tên gọi là cố vấn danh nghĩa, thuộc phẩm hàm thứ 9 trong số 14 bậc công chức thời Nga hoàng, và thuộc nhóm phẩm hàm thấp nhất. Ngay từ những chi tiết gợi tả vẻ bề ngoài, A-ca-ky đã thể hiện mình là một con người nhỏ bé: “họ ấy được tạo nên từ “bashmak” khi nào, vào thời nào, không ai biết cả… Cả cha, cả ông nội, thậm chí cả ông anh vợ, tất cả những người mang họ Bashmachkin đều đi ủng”. Bên cạnh đó, A-ca-ky còn được Gô-gôn miêu tả: “vóc người thấp bé, mặt hơi rỗ hoa, tóc hơi hung hung, mắt đã hơi kèm nhèm, trán hơi hói, hai bên má hằn những nếp nhăn và có nước da được gọi là của kẻ bị bệnh trĩ”, cổ áo quá hẹp đến nỗi cái cổ ông ta trở nên “dài một cách lạ kỳ”, mũ áo lúc nào cũng vướng cọng rơm, sợi chỉ, vỏ dưa, bởi vì “ông có tài nghệ đặc biệt là lúc đi trên đường luôn bước ngay dưới cửa sổ đúng lúc người ta vứt ra từ đó đủ thứ rác rưởi”,… Ở địa vị đó, bác không nhận được sự xem trọng của mọi người, kể cả những người gác cổng, người trên thì đối xử với bác lạnh lùng và độc đoán. Trước hoàn cảnh đó, bác A-ca-ky chẳng hề có chút phản kháng, hoặc giả nếu có thì đó chỉ là tiếng kêu yếu ớt khi bị hạ nhục quá mức chịu đựng: “Các người hãy để tôi yên! Tại sao các người cứ hành hạ tôi thế”. Đó phải chăng cũng là tiếng kêu của nhà văn vang vọng trong suốt câu chuyện của mình, phải chăng đó là tiếng kêu đầy đau khổ và bất lực của những con người thân phận thấp kém. Họ cần sự bình yên mà xã hội nhẫn tâm quyết không cho họ hưởng được một chút nào. Cùng với tiếng kêu đó là lời nhắc nhở về sự bình đẳng: “Tôi là anh em của người mà!”. Nhà văn bất bình trước một xã hội như thế, và ông muốn kêu lên để được nghe thấy, nhưng hình như chẳng hề có lời đồng vọng nào ở những phía khác.
Đến với tác phẩm “Người trong bao”, một lần nữa ta sẽ bắt gặp hình tượng “con người nhỏ bé” thông qua nhân vật Bê-li-cốp. Bê-li-cốp là người luôn cố thu mình và mọi thứ vào trong một cái bao, luôn có những suy nghĩ không thực, ngợi ca quá khứ và mơ tưởng đến những thứ không có trong thực tại. Nhân vật Bê-li-cốp có câu cửa miệng “nhỡ như có chuyện gì”, xuất hiện cả trong lời nói trực tiếp: “Khi người ta đồng ý cho một đoàn kịch, một phòng đọc sách hay quán trà trong thành phố được phép hoạt động thì hắn lắc đầu và nói nhỏ: “Cái đó đã đành, hay thì hay thật, nhưng nhỡ xảy ra chuyện gì”, nửa trực tiếp: “Nếu có bạn đồng nghiệp nào đi muộn lễ nhà thờ, hay có tin đồn về một trò nghịch ngợm nào đấy của học sinh, hay người ta thấy có bà giáo nào đó đi chơi khuya với một sĩ quan thì hắn ta lo lắng ra mặt, luôn miệng nói nhỡ lại xảy ra chuyện gì… những suy luận đúng theo kiểu thu mình trong vỏ ốc của hắn rằng bọn trẻ ở các trường nam nữ rất hư hỏng, rằng vào giờ học các lớp rất ồn ào, nhỡ ra lại đến tai ban giám hiệu, nhỡ ra lại xảy ra chuyện gì và nếu đuổi được thằng Pê-tơ-rốp ra khỏi lớp hai và thằng Ê-go-rốp ra khỏi lớp bốn thì thật là hay…” lẫn suy nghĩ của nhân vật: “Nằm trong chăn hắn cảm thấy rờn rợn. Hắn sợ nhỡ ra lại có chuyện gì, nhỡ lão A-pha-na-xi lại cắt cổ hắn, sợ kẻ trộm chui vào nhà, sau đó suốt đêm hắn nằm mơ toàn những điều khủng khiếp…”. Lời nói này củng cố thêm cho tính cách của Bê-li-cốp, một kẻ luôn sợ trước sợ sau, từ bên ngoài đến tận trong suy nghĩ, lúc nào cũng chỉ biết “cố thu mình vào trong vỏ”. Có thể nói, Bê-li-cốp chưa từng sống, nên khi được nằm trong cái bao cuối cùng “mà từ đó không bao giờ phải thoát ra nữa”, anh ta “thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh”, mãn nguyện. Tâm lí nô lệ nhỏ bé tha hoá nhân cách đến mức làm cho nó trở thành trống rỗng. Chính vì vậy mà Bê-li-cốp rất dễ bị tổn thương và có khuynh hướng tự diệt. Hình tượng Bê-li-cốp được Sê-khốp phóng đại lên mức nghịch dị không chỉ nhằm mục đích đả kích, gây cười mà còn như để nhấn mạnh bi kịch khủng khiếp của nỗi sợ cuộc sống.
Thứ hai, cả hai tác phẩm đều gắn số phận con người với những tín hiệu, vật dụng đời thường, thậm chí là tầm thường hay gàn dở. Trong “Chiếc áo khoác”, những sự kiện hay biến cố của bác A-ca-ky đều gắn với chiếc áo khoác. Biểu tượng này cũng đã được tác giả sử dụng để đặt tên cho chính truyện ngắn này. Nhân vật vẫn sống một cuộc đời nhỏ bé và hứng chịu những bi kịch càng lúc càng lớn hơn. Thực tế, chiếc áo khoác mà A-ca-ky mặc đã rách nát đến nỗi không còn đủ sức chống chọi với cái lạnh buốt giá của mùa đông Pê-téc-pua, và để sắm được chiếc áo mới, A-ca-ky phải nhịn ăn, nhịn uống trà, không thắp nến buổi tối, đi nhẹ nhàng để đế giày không bị nhanh mòn, quần áo đưa đem đi giặt ngày càng ít. Nhưng một bi kịch trớ trêu đã xảy đến với bác, đó là khi bị cướp mất chiếc áo khoác trong đêm đông giá lạnh mà không một ai chịu đứng ra giúp đỡ bác. Với thân phận của một công chức quèn, cuộc sống của A-ca-ky chỉ quẩn quanh công việc sao chép, con đường của bác thì chỉ dài bằng đoạn đường từ nhà đến sở, rồi lại từ sở về nhà. Bác chẳng có người thân nào ngoại trừ người cha và mẹ đã quá cố. Cả cuộc đời còn lại của bác chỉ dành cho công việc sao chép, và tình yêu duy nhất của bác là chiếc áo khoác. Có thể thấy rằng, quyết định táo bạo nhất suốt cuộc đời bác A-ca-ky là may một chiếc áo khoác mới bởi việc may một chiếc áo khoác đối với bác chẳng dễ dàng, nó là những suy đi tính lại, là biết bao công sức miệt mài của bác. Cả một đời người bác chỉ có chiếc áo khoác là chỗ dựa, vừa là vật che chắn cho thể xác khỏi cái lạnh, vừa là niềm vui, hạnh phúc trong tinh thần bác. Với chiếc áo khoác đó, mọi người nhìn thấy sự tồn tại của bác, hình ảnh “con người nhỏ bé” ấy đã được nhìn nhận nhờ vào chiếc áo khoác của bác, từ khi có nó, bác được đối xử niềm nở hơn, còn được mời đi dự tiệc. Vật chất tầm thường đó lại giúp lão nhận ra được giá trị con người của mình bên trong lốt vỏ, khiến lão sẵn lòng hòa nhập với xã hội, tham gia vào những cuộc vui. Song, Gô-gôn không đem lại cho A-ca-ky một sự “đổi đời”, lão ta không thay đổi địa vị xã hội của mình sau khi có áo mới, càng không thể thay đổi chính mình và thay đổi thế giới chỉ nhờ một chiếc áo. A-ca-ky vẫn cứ chỉ là một con người nhỏ bé. Thậm chí, hình như chính tình yêu điên rồ với chiếc áo mới càng khiến hình tượng lão viên chức khốn khổ A-ca-ky trở nên nhỏ bé, thảm hại, bi kịch hơn.
Cũng vận dụng những vật dụng đời thường vào trang viết, hình ảnh cái bao trong tác phẩm “Người trong bao” là chi tiết đặc sắc nhất được tạo lên từ nhiều chi tiết khác. Cái bao vốn dĩ là một vật dụng gần gũi, phổ biến trong đời sống của con người, được dùng để đựng, gói hàng hóa. Trong truyện ngắn “Người trong bao”, hình tượng cái bao vừa mang ý nghĩa vô hình, vừa mang ý nghĩa hữu hình. Trên phương diện là hình ảnh mang ý nghĩa tả thực - cái bao hữu hình, đó là vật dụng mà Bê-li-cốp sử dụng để đựng các loại đồ dùng cần thiết trong cuộc sống của mình: chiếc đồng hồ, con dao, chiếc ô… “ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ quả quýt cũng để trong bao bằng da hươu” và đến cả “chiếc dao dùng để gọt bút chì cũng được Bê-li-cốp để ở trong bao”. Đó là thứ gắn liền với cuộc sống của Bê-li-cốp. Đó cũng là nơi Bê-li-cốp che đậy nỗi sợ hãi cuộc sống của mình, nơi Bê-li-cốp giấu kín khuôn mặt sau chiếc áo bành tô cao cổ, căn phòng của hắn cũng ngột ngại, bí bách như một chiếc bao. Từ hình ảnh tả thực về thứ vật dụng yêu thích của Bê-li-cốp, nhà văn Sê-khốp đã xây dựng lên một hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng - cái bao vô hình. Đó là hình tượng kinh điển cho một lối sống tiêu cực - lối sống thu mình trong vỏ ốc, sợ hãi cuộc sống; cho một kiểu người thụ động, e dè trước những tác động của cuộc sống mà trở nên nhu nhược, yếu đuối, đáng khinh. Đó là nơi những người như Bê-li-cốp có thể ẩn nấp khỏi cuộc sống xung quanh, không chỉ đồ dùng mà chính bản thân hắn cũng cho vào chiếc bao.
Chiếc bao không chỉ biểu tượng cho nỗi sợ cuộc sống mà còn là biểu tượng của chế độ sa hoàng chuyên chế, bảo thủ nặng nề đã bọt nghẹt con người ta, khiến cho cuộc sống vốn đầy hy vọng trở nên nặng nề, tràn ngập những nỗi sợ hãi và lo lắng. Cũng chính chiếc bao vô hình ấy đã giết chết Bê-li-cốp một cách lặng lẽ mà tàn độc, khi còn sống mọi thứ đều có thể khiến hắn sợ hãi mà sống một cách giáo điều, cứng nhắc, ngay cả khi chết đi thứ mà hắn khao khát, thứ khiến hắn cảm thấy hạnh phúc lại là chiếc quan tài. Kỳ lạ thay, khi nằm trong quan tài người ta lại thấy vẻ mặt hắn có vẻ tươi tỉnh, mãn nguyện. Đây quả là một chi tiết đắt giá, thì ra cuối cùng Bê-li-cốp cũng mãn nguyện vì đã chui được vào cái bao mà từ đó hắn không phải chui ra nữa. Khi sống Bê-li-cốp đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến xã hội, người ta sợ hãi tất cả: sợ gửi thư, sợ nói to, sợ diễn kịch… Khi hắn chết mọi người cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng nhưng chưa được bao lâu cuộc sống lại diễn ra như cũ: nặng nề, mệt nhọc, vô vị, tù túng. Chi tiết này cho thấy nhà văn đã khái quát ảnh hưởng và tác động dai dẳng nặng nề của lối sống trong bao. Chính kiểu người như Bê-li-cốp đã ám ảnh, đầu độc bầu không khí trong sạch, lành mạnh của văn hoá và đạo đức, tiến bộ của xã hội Nga đương thời. Như vậy không chỉ một mình Bê-li-cốp mang bao mà có biết bao nhiêu người cũng mang bao như hắn.
Ở Gô-gôn và Sê-khốp, ta còn bắt gặp sự đồng điệu trong cách vận dụng linh hoạt, khéo léo nghệ thuật châm biếm trong tác phẩm của mình. Gô-gôn thật khéo khi ngầm cho chúng ta thấy rằng chiếc áo khoác còn giá trị hơn chủ nhân của nó, con người “nhỏ bé” đến mức không bằng một chiếc áo khoác. Từ những năm 30 – 40 của thế kỉ XIX, chế độ chuyên chế nông nô đã suy tàn, rạn nứt, giai cấp tư sản lên ngôi, lối sống tư sản không còn quan tâm đến tinh thần mà đề cao thậm chí và tuyệt đối hóa về vật chất, con người được đánh giá qua vật chất. Đây cũng là lúc con người trở nên nhỏ bé, nhỏ bé cả về vẻ bề ngoài lẫn trong tinh thần, “tâm lý nô lệ” ngày càng được lên ngôi trong xã hội quân chủ chuyên chế của Nga hoàng. Tương tự, “tâm lí nô lệ” này cũng được lặp lại trong “Người trong bao” khi nhân vật Bê-li-cốp có lối sống thu mình trong vỏ ốc, sợ hãi cuộc sống; cho một kiểu người thụ động, e dè trước những tác động của cuộc sống mà trở nên nhu nhược, yếu đuối - một kiểu người tồn tại ở nước Nga giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. “Chiếc áo khoác” và “Người trong bao” dường như là một cơn ác mộng kỳ cục và u ám xuyên thủng các lỗ đen trong một bức tranh mơ hồ về cuộc sống. Người đọc hời hợt sẽ thấy trong câu chuyện này chỉ có những trò hề đáng suy ngẫm của những gã ngông cuồng và thiển cận. Nếu sâu sắc, ta sẽ nhận ra rằng ý định chính của tác giả là tố cáo sự khủng khiếp xã hội và của cả cái bản ngã hèn kém bên trong mỗi con người.
Một tác phẩm văn chương thành công là tác phẩm ghi lại dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc. Vì vậy mà bên cạnh những điểm tương đồng, ta vẫn thấy những nét độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của hai nhà văn. Nét riêng biệt thứ nhất chúng ta có thể thấy ở hai tác phẩm chính là cách tổ chức cốt truyện. Cốt truyện “Chiếc áo khoác” trước tiên có liên quan đến các truyện tiếu lâm lưu truyền trong giới công chức ở Pê-téc-pua. Những trang truyện “Chiếc áo khoác” là sự phong phú về ngữ nghĩa được thể hiện qua nghệ thuật tự sự tài tình với cốt truyện được tối giản hết mức. Dưới ngòi bút của Gô-gôn, câu chuyện trở nên thần bí, nhiều biểu tượng tựa như những câu chuyện ngụ ngôn chứa đựng triết lý cuộc sống sâu sắc. Trong khi đó, “Người trong bao” lại được kết cấu kiểu truyện lồng trong truyện, trong đó câu chuyện bên ngoài lấy bối cảnh là bác sĩ thú y I-van I-van-nứt và giáo viên trường phổ thông Bu-kin gặp nhau khi đi săn mà ra khỏi rừng quá muộn, phải cùng tạm trú trong căn nhà kho của ông trường xóm ở tận cuối làng. Trong đêm tạm trú, họ kể với nhau đủ thứ chuyện, và Bu-kin mở lời kể về Bê-li-cốp, vị đồng nghiệp dạy tiếng Hy Lạp vừa mới mất hai tháng trước. Đây là một kiểu kết cấu khá phức tạp, đòi hỏi người đọc phải tập trung tư duy và liên tưởng trong quá trình tiếp nhận.
Thứ hai là sự khác biệt về ngôi kể, điểm nhìn. “Chiếc áo khoác” được kể từ ngôi thứ nhất, người kể chuyện hiện diện từ đầu đến cuối truyện: đó là một người am hiểu về giới công chức: công việc, tính nết, nếp sống, thói quen, cách ăn mặc, thú tiêu khiển, tâm lý…, tất cả đều được kể lại một cách rất tỉ mỉ, kỹ càng. Trong khi đó, với kết cấu truyện lồng truyện phức tạp, điểm nhìn trần thuật trong “Người trong bao” cũng có sự thay đổi. Câu chuyện bao bọc bên ngoài với người kể chuyện ở ngôi thứ ba toàn tri, kể lại câu chuyện của bác sĩ thú y I-van I-van-nứt và giáo viên trường phổ thông Bu-kin. Câu chuyện bên trong là câu chuyện cuộc đời Belikov qua người kể chuyện ngôi thứ nhất hạn tri – Bu-kin. Về tổ chức điểm nhìn trần thuật, Sê-khốp đã có sự khéo léo, linh hoạt trong luân phiên điểm nhìn của người kể chuyện với điểm nhìn của nhân vật tạo nên hình thức truyện lồng trong truyện. Người kể chuyện với điểm nhìn của nhân vật Bu-kin có điểm nhìn bình đẳng với thế giới được miêu tả, đã cho thấy nhận định của anh ta về Bê-li-cốp: “con người này lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt thu mình vào trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài”. Còn người kể chuyện ngôi thứ ba đã đứng cao hơn thế giới được miêu tả, để thuật lại những sự kiện và nhân vật trong câu chuyện đó một cách khách quan. Việc luân phiên điểm nhìn trần thuật vừa đảm bảo được tính khách quan vừa vẫn thể hiện được tính chủ quan, gây được cảm giác gần gũi và chân thật của câu chuyện.
Phong cách thời đại tuy chi phối đến quan điểm tiếp cận hiện thực và chủ đề, đề tài mà người nghệ sĩ lựa chọn cho đứa con tinh thần của mình nhưng không hoàn toàn lấn át phong cách cá nhân của mỗi nhà văn. “Chiếc áo khoác” và “Người trong bao” là những sáng tác mang dấu ấn thời đại rõ nét. Tuy nhiên, ta vẫn thấy ở đó điểm khác biệt làm nên “cái tạng riêng” của người cầm bút. Họ đã ý thức được trách nhiệm của mình trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, không cho phép sao chép, lẫn lộn tiếng nói của mình bên trong cổ họng của bất kì một tác giả nào khác. Sáng tác văn chương là quá trình tiếp nối, cải biến từ đó phát triển mà trở nên đa dạng, độc đáo hơn. Cùng ra đời trong thế kỷ XIX giữa hai tác phẩm cũng có khoảng cách thời gian lên tới vài chục năm. Do đó, hoàn toàn có thể xem sự tương đồng và khác biệt ở đây xuất phát từ nguyên do căn cốt nhất là sự học hỏi, ảnh hưởng của thế hệ sau với thế hệ trước, vận động không ngừng theo quy luật vận động của nghệ thuật.
Tìm đọc “Chiếc áo khoác” và “Người trong bao”, ta có thể cảm nhận được tài năng, sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của mỗi người nghệ sĩ gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình. Họ không chỉ viết câu chuyện của riêng mình, của một người, một thời mà rộng ra chính là câu chuyện của mọi người, mọi thời. Tiếp nhận hai truyện ngắn này, ta bật cười trước những tình huống bất ngờ, những con người gàn dở. Song, ẩn đằng sau nụ cười đó chính là sự xót xa, suy ngẫm, trăn trở về những vấn đề của con người, của xã hội. Chất men khiến cho tác phẩm làm động lòng người đọc vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian chính là ở tinh thần nhân văn cao cả đó.
Văn chương không phải liều thuốc an thần ru con người vào giấc ngủ uể oải, mộng mị. Và tất yếu, mọi tác phẩm chân chính đều không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện ngay cả khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc . Ở hai tác phẩm “Chiếc áo khoác” của Gô-gôn và “Người trong bao” của Sê-khốp, người nghệ sĩ đã gửi hồn vào từng con chữ, thức tỉnh nơi bạn đọc những rung động, tình cảm sâu xa tưởng như đã chìm vào quên lãng bởi lớp bụi của thời gian.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Tin liên quan